Kim Dung Và Tiểu Thuyết Võ Hiệp Của Ông

Phạm Tú Châu

Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung là hiện tượng văn học quan trọng và nổi bật của Trung Quốc thế kỷ XX. Nổi bật trước hết là về số lượng bạn đọc đông đảo. Theo thống kê của Cục xuất bản quốc gia Trung Quốc, chỉ riêng năm 1985, đã có tới hơn 40 triệu bản tiểu thuyết Kim Dung được bán ra. Khi đó mới chỉ có nhà xuất bản Bách hoa Văn nghệ ở Thiên Tân mua bản quyền để được ấn hành bộ tiểu thuyết đầu tay của Kim Dung là Thư Kiếm Ấn Cừu Lục, tới năm 1994, nhà xuất bản Tam liên Thư điếm ở Bắc Kinh được tác giả trao quyền xuất bản trọn bộ "Tác phẩm Kim Dung" gồm 36 cuốn, cũng tức là trọn bộ 15 bộ tiểu thuyết võ hiệp, thì chỉ hai năm sau, bộ "Tác phẩm Kim Dung" này đã tái bản đến lần thứ ba. Như vậy lượng bạn đọc ở Trung Quốc đã là "con số thiên văn", không biết bao nhiêu mà kể. Nếu kể cả bạn đọc ở Hồng Kông và Đài Loan (bạn đọc Đài Loan từ 1978 mới được đọc tác phẩm Kim Dung do chính Đài Loan in ấn) thì "con số thiên văn" ấy càng lớn hơn nữa. Tác phẩm Kim Dung còn rất phổ biến ở các nước châu Á như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan. Riêng Nhật Bản gần đây cũng bỏ tiền mua bản quyền Kim Dung để được in sách và quay phim truyện trên màn ảnh lớn. Ở Việt Nam, bạn đọc của Kim Dung hẳn cũng không kém "con số thiên văn" là mấy.

Số lượng bạn đọc đông đảo chứng tỏ tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung có sức hấp dẫn sâu xa từ nội dung đến hình thức và đã được thời gian thử thách hàng mấy chục năm qua. Về ưu điểm và thành công này, gần đây trên "Kiến thức Ngày nay", "Thế giới mới"... đều đã đề cập đến bước đầu. Trong khi đó, người Trung Quốc với ưu thế sẵn có, đã nghiên cứu khá kỹ hiện tượng văn học nổi bật ấy của nước họ.

Như chúng ta đều biết, tiểu thuyết võ hiệp là hình thức văn học riêng có của Trung Hoa, ra đời từ rất sớm. Thể loại văn học này bắt nguồn từ gốc gác văn hóa của những lớp người "giang hồ quen thói vẫy vùng" đầy sức hấp dẫn thần kỳ có từ xa xưa. Quá trình phát triển của thể loại có mối liên hệ chặt chẽ với sự tồn vong của thế giới những con người "vì nghĩa quên thân, thay trời hành đạo". Tiểu thuyết võ hiệp ra đời từ sử truyện, mà sử truyện thì nói chung phản ánh trung thực tình hình hành hiệp đương thời. Thời Xuân Thu, Chiến Quốc, chư hầu cát cứ tranh hùng là thời kỳ dành nhiều đất dụng võ cho nhân vật hành hiệp. Những sách có từ trước thời Tần như Tả truyện, Quốc ngữ, Chiến quốc sách đều dành số trang đáng kể để viết về những nhân vật nghĩa hiệp ấy. Đến Sử Ký thì Tư Mã Thiên đời Hán đã dành hẳn một vài chương ghi chép và ca ngợi họ như các chương Du hiệp liệt truyện, Thích khách liệt truyện, Ngụy công tử liệt truyện. Cuối đời Đông Hán, truyện võ hiệp đầu tiên ra đời, đó là truyện Thái tử Đan yêu nước, trong đó nhân vật võ hiệp giang hồ Kinh Kha được thể hiện thành công hơn cả. Tuy nhiên tiểu thuyết võ hiệp chín mùi thì đến đời Đường mới có, đó là truyện Hồng Tuyến, Côn Lôn Nô, Vô Song truyện, Nhiếp Ấn Nương và nhất là Cầu tu khách truyện (Chuyện người khách râu xoắn) của Đỗ Quang Bình. Sở dĩ tiểu thuyết võ hiệp đời Đường phát triển với số lượng lớn, nghệ thuật viết truyện tiến một bước dài là do tinh thần hành hiệp được coi trọng và đề cao. Bởi vậy không chỉ có tiểu thuyết mà còn có nhiều thơ văn ca ngợi tinh thần đó, như Cổ kiếm thiên của Quách Chấn, Hiệp khách hành của Lý Bạch v.v... Đời Tống, Nguyên cũng có rất nhiều truyện võ hiệp. Kinh tế hàng hóa phồn vinh thúc đẩy văn hóa thị dân phát triển, trong các trà lầu, tửu quán, kĩ viện đều có các nghệ nhân kể truyện, lôi cuốn khán giả bằng những câu truyện hành hiệp phi thường. Sang đời Minh, chuyện kể dân gian càng thịnh hành hơn nữa, rất nhiều truyện võ hiệp được chỉnh lí từ những tài liệu đó mà thành, do vậy truyện có hình thức phong phú hơn, cấu trúc hoàn hảo hơn, chẳng hạn Triệu Thế Tổ thiên lý tống Kinh Nương (Triệu Khuông Dẫn nghìn dặm đưa Kinh Nương), Dương Khiêm Chi khách phản ngộ hiệp tăng (Dương Khuông Chi trên thuyền khách gặp sư nghĩa hiệp) v.v... trong bộ Tam ngôn rất nổi tiếng.

Trên đây là những tiểu thuyết võ hiệp đoản thiên, còn tiểu thuyết trường thiên thì Thủy Hử là bộ danh tác mở đầu, ra đời khoảng cuối đời Nguyên đầu đời Minh. Bộ trường thiên nổi tiếng thứ hai là Tam hiệp ngũ nghĩa do Thạch Ngọc Côn đời Thanh chỉnh lý (phim truyền hình nhiều tập Bao Thanh Thiên dựa vào đấy mà cải biên phỏng theo). Nhưng đến cuối đời Thanh vào đầu đời Dân Quốc, tiểu thuyết võ hiệp loại rẻ tiền tràn lan đến mức gây họa. Tác giả chỉ cốt chiều theo thị hiếu kém cỏi của tầng lớp người đọc nào đó, mặc sức bịa đặt, lời văn thô thiển, làm hại bạn đọc trẻ tuổi khiến phụ huynh họ và nhà trường phải cấm, không cho đọc. Tiểu thuyết võ hiệp được chấn hưng, có bạn đọc đông đảo như ngày nay là nhờ công sức không nhỏ của các nhà viết tiểu thuyết võ hiệp phái mới ở Đài Loan và Hồng Kông như Ngọa Long Sinh, Lương Vũ Sinh, Nghệ Khuông, Cổ Long, Kim Dung...

Tuy nhiên, trong số các nhà văn viết tiểu thuyết võ hiệp phái mới "cứng cựa" trên đây, chỉ riêng Kim Dung được tôn là "minh chủ" của thể loại văn học này ở Đài Loan và Hồng Kông. Chỉ riêng Kim Dung được trường đại học danh tiếng lừng lẫy khắp Trung Quốc là Đại học Bắc Kinh mời làm giáo sư danh dự của trường. Chỉ riêng Kim Dung được nhiều giáo sư ở trường Đại học Cambridge ở Anh cùng một số trường đại học khác ở Mỹ bỏ công nghiên cứu. Chỉ riêng Kim Dung được một nhà Hán học người Úc là ông Minford dành nhiều năm để dịch toàn bộ tác phẩm Kim Dung gồm 15 bộ tiểu thuyết võ hiệp ra tiếng Anh, mặc dù nhiều cuốn trong số đó đã được người Hồng Kông dịch ra tiếng Anh từ trước. Năm 1994, ông đã dịch đến quyển cuối cùng là "Lộc Đỉnh Ký", do nhà xuất bản trường Đại học Quốc lập Úc xuất bản. Trong lời tựa cho bản dịch này, nhà Hán học người Úc viết: "Tôi tin chắc rằng những tác phẩm này nên có mặt trong hàng ngũ các tác phẩm văn học nghiêm túc của thế giới. Chúng hoàn toàn có thể đứng ngang hàng với các tác phẩm nổi tiếng của Walter Scott, Dumas bố, Stevenson cùng nhiều tác giả ưu tú khác".

Để giải mã cho hiện tượng trên, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã vận dụng phương pháp nghiên cứu so sánh, đặt tác phẩm của Kim Dung trong lịch sử tiểu thuyết võ hiệp truyền thống và hiện đại mà nghiên cứu, từ đó họ đã rút ra những đặc điểm của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung như sau:

  1. Kim Dung có tri thức lịch sử rất phong phú, hiểu biết khá sâu về hai triều Minh và Thanh, tiểu thuyết của ông thường lấy bối cảnh là các triều Tống, Kim, Nguyên, Minh và Thanh. Trong tiểu thuyết, tác giả thường kết hợp chuyện giang hồ với chuyện triều đình, thường đối chiếu hiệp khách với hoàng đế. Chẳng hạn trong Thư Kiếm Ấn Cừu Lục là mối quan hệ giữa Trần Gia Lạc với Càn Long; trong Thiên Long Bát Bộ là hiệp khách với các vua nước Đại Lý, nước Đại Liêu, nước Tây Hạ...; trong Lộc Đỉnh Ký là Vi Tiểu Bảo với vua Khang Hi. Viết về lịch sử theo cách đối chiếu là một sáng tạo mới, qua đó người đọc thấy được tính tư tưởng của tác phẩm, thể hiện ở đại nghĩa dân tộc và tinh thần yêu nước mãnh liệt, hơn nữa còn thấy được tư tưởng triết học truyền thống uyên bác, sâu xa.

  2. Kim Dung rất coi trọng việc xây dựng nhân vật, dùng nhân vật để dẫn dắt tình tiết câu truyện phát triển. Hình tượng nhân vật trong tiểu thuyết của ông thường rất sống động, để lại ấn tượng sâu sắc, đó là anh hùng bi kịch Kiều Phong đại trí đại dũng, tráng chí vời vợi, rất giầu tình cảm và lòng nhân ái trong Thiên Long Bát Bộ, là đại hiệp Quách Tỉnh thuần phác, đôn hậu, tấm lòng rộng mở, đặt chữ "nghĩa" lên trên hết trong Anh Hùng Xạ Điêu, là Lệnh Hồ Xung tài trí hơn người, tốt bụng, chân thành, quang minh lỗi lạc, phóng khoáng cùng Nhạc Bất Quần quân tử giả hiệu, Tả Lãnh Thiền ham hố bá quyền trong Tiếu Ngạo Giang Hồ v.v... Tiểu thuyết của Kim Dung đã khắc họa được nhược điểm nhân vật loại hình hóa do không chú trọng miêu tả tính cách nhân vật của tiểu thuyết võ hiệp truyền thống, vì vậy đây cũng là điểm sáng tạo của Kim Dung.

  3. Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung hầu hết là trường thiên (12 bộ), tình tiết cốt truyện luôn thay đổi biến hóa, khi buông khi bắt rất cuốn hút người đọc. Với kết cấu lớn, thường là 40 đến 50 hồi, tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung có lớp lang, mạch lạc chặt chẽ hơn tiểu thuyết võ hiệp truyền thống quá dài đến hàng trăm hồi: đầu đề mỗi hồi cũng không rập khuôn, khi thì hai câu thất ngôn như trong Thư Kiếm Ấn Cừu Lục, khi thì bốn chữ hoặc một câu đơn như trong Anh Hùng Xạ Điêu hay Phi Hồ Ngoại Truyện. Có thể nói, chỉ một đầu đề mỗi hồi, tác giả cũng đã chú ý cân nhắc và đổi mới.

  4. Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung kết hợp khéo léo, hài hòa giữa cao nhã và đại chúng, đó là điểm cuốn hút nghệ thuật mà ít tác giả đã có được. Xưa nay, Trung Quốc thường tồn tại song song hai bộ lịch sử văn học, bộ gồm những tác phẩm cao nhã, kinh điển là bộ "Lịch sử văn học Trung Quốc", bộ gồm những tác phẩm đại chúng là bộ "Lịch sử văn học thông tục Trung Quốc" (Trung Quốc tục văn học sử). Tác phẩm của Kim Dung không thuộc một bộ sách nào trong hai cuốn trên mà thuộc về bộ "Trung Quốc nhã tục văn học sử" trong tương lai. Đây là ranh giới nghệ thuật và ý tưởng thẩm mỹ mà biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ các đời đeo đuổi song không phải ai cũng thành công.
Đặc điểm thứ tư trên đây giành được sự quan tâm của nhiều nhà phê bình nhất.

Có ý kiến nói, thơ, từ, tiểu thuyết, hí kịch truyền thống của Trung Quốc xưa nay đều biết kết hợp hài hòa giữa cao nhã và đại chúng. Đây là điểm mấu chốt khiến cho những thơ, từ, tiểu thuyết, hí kịch đó có đông đảo bạn đọc từ xưa đến nay. Sau này, đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương "phổ cập trên cơ sở nâng cao, nâng cao trên cơ sở phổ cập" là cũng nhằm làm cho tác phẩm văn nghệ đến với số đông quần chúng bạn đọc. Kết hợp giữa cao nhã và đại chúng là một phần nội dung của chủ trương trên, trong đó bao gồm nội dung, song chủ yếu hơn vẫn là kỹ xảo điêu luyện về nghệ thuật biểu hiện. Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung đã đạt được điểm này (Dẫn theo Lâm Hoán Bình: Về vấn đề xếp lại ngôi thứ trên văn đàn, tạp chí Lý luận và phê bình văn nghệ, số 3 năm 1995).

Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cao nhã và đại chúng ở tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung còn biểu hiện ở chỗ tác giả kế thừa có chọn lọc tiểu thuyết võ hiệp truyền thống, biết bỏ cặn bã, lấy tinh hoa. Truyện của ông vừa có "mười tám ban võ nghệ truyền thống" lại vừa có "mười tám ban võ nghệ" của riêng mình, tức tài nghệ và sự học rộng của ông. Về mặt kỹ xảo sáng tác, Kim Dung đã vận dụng thủ pháp biểu hiện của văn học mới bản địa kết hợp với thủ pháp văn học cận đại phương Tây. Người đọc có thể thấy thơ, từ, ca, phú, cầm, kỳ, thi, họa, đạo (Nho, Phật, Thiên chúa...) và cả chư tử bách gia đều xuất hiện dưới ngòi bút ông đúng nơi, đúng lúc, khiến cho ai nấy đều say sưa hưởng thụ cái đẹp và nghệ thuật trong tiểu thuyết của ông. Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung có thể gọi là "kịch võ lời văn", với nghĩa ngụ văn hóa qua những pha đánh võ, mượn kì ảo để răn gửi tình đời, văn võ cùng lúc được phô bày để làm nổi bật lẫn nhau khiến cho truyện đạt tới ranh giới người nhã kẻ tục cùng thưởng thức chung, không phân biệt gái trai, già trẻ. Điều đó khiến tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung khác hẳn thứ tiểu thuyết đánh võ ầm ĩ, huyên náo đang có mặt trên các sạp sách hiện nay. Loại này, thứ thì có võ nhưng không hiệp, thứ thì có hiệp mà không võ, lối viết rẻ tiền, chữ nghĩa thô sơ, là một dạng quái thai trong làng tiểu thuyết võ hiệp, về căn bản không thể đứng chung cùng với tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung được. (Dẫn theo Lưu Khai Nông: Bàn về tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, Văn nghệ báo, 22-7-1997).

Có ý kiến còn đi sâu hơn để phân tích mối quan hệ giữa võ và hiệp trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung trên cơ sở so sánh với tiểu thuyết cùng loại của Lương Vũ Sinh và Cổ Long. Lương Vũ Sinh yêu cầu sáng tác tiểu thuyết võ hiệp của mình phải đạt tới "thà không võ chứ không thể không hiệp", cho nên ông được xếp vào hàng phái lý tưởng và phái chính thống. Trái lại, Cổ Long thuộc phái hiện thực và phái hiện đại, ông chủ trương trong tiểu thuyết võ hiệp của mình "võ công không phải để xem mà nhằm trúng người", một khi đao đã bay đi, không khi nào bay vào khoảng trống. Nhưng đao pháp đó thuộc môn phái nào, có bí quyết gì thì Cổ Long không chú ý, cho đó là việc của bạn đọc. Ngược lại, Lương Vũ Sinh hay sử dụng "Thiên Sơn kiếm pháp", tuy đó là tuyệt nghệ nhưng hồi trước hồi sau, dạy đi dạy lại, truyền tới truyền lui, đời này đời khác bạn đọc xem đến phát ngán cũng chẳng hề gì. Như vậy, võ đối với Lương Vũ Sinh và Cổ Long tuy "dị mộng" nhưng "đồng sàng", nghĩa là không thật để tâm vào võ.

Tiểu thuyết Kim Dung đã đành coi trọng nhân vật nhưng lại không xem thường việc miêu tả nghệ thuật võ công. Võ công trong tiểu thuyết Kim Dung cố nhiên cũng nhằm sát hại kẻ thù, song điều chủ chốt trong miêu tả là để cho bạn đọc thưởng thức. Ông miêu tả võ công rất kỹ nhưng không rập khuôn, cứng nhắc mà vô cùng sinh động, luôn luôn đổi mới. Sơ bộ thống kê, Kim Dung đề cập tới hàng ngàn môn võ công mà những võ công này chẳng những mới mẻ, lạ kỳ mà còn đẹp và thú vị. Võ công trong tiểu thuyết Kim Dung không phải là phụ liệu mà cùng là món ăn đầu vị bên cạnh món đầu vị khác thuộc văn, và phải nếm náp thật kĩ mới nhận ra vị ngon. Có thể nói Kim Dung đã nâng võ công trong tác phẩm của mình lên tầm võ học ngang với văn học, triết học, nhân tài học v.v... để cho bạn đọc thưởng thức và ngẫm nghĩ (Dẫn theo Trần Mặc, Võ học trong tiểu thuyết Kim Dung. Nhà xuất bản Bách hoa châu văn nghệ, 1996).

Ngoài ý kiến phân tích tiểu thuyết Kim Dung qua mối quan hệ giữa võ và văn, võ và hiệp, so sánh Kim Dung với các tác giả cùng thời trong phạm vi thể loại theo chiều ngang thì có ý kiến khác lại so sánh tiểu thuyết của ông với tiểu thuyết võ hiệp truyền thống theo chiều dọc và rút ra ưu điểm, cũng là sức cuốn hút chủ yếu trong tiểu thuyết Kim Dung, đó là tinh thần hiện đại. Tinh thần này thể hiện ở chỗ:

a) Tiểu thuyết Kim Dung về căn bản phủ định và phê bình quan niệm khoái ý đền ơn trả oán, tùy tiện gây chết chóc trong tiểu thuyết võ hiệp truyền thống.

b) Ngoài bộ tiểu truyện đầu tay ra, cùng với góc nhìn lịch sử của tác giả ngày một mở rộng, tư tưởng và nghệ thuật viết truyện ngày một chín mùi, nghĩa là ngày càng đột phá ra khỏi quan niệm bản vị hẹp hòi về dân tộc Hán, tiểu thuyết Kim Dung đã có cái nhìn bình đẳng giữa các dân tộc Trung Hoa, khẳng định địa vị và tác dụng của nhiều dân tộc thiểu số anh em trong sự phát triển của lịch sử nước nhà. Về điểm này, trong lời tựa chung cho bộ Tác phẩm Kim Dung, tác giả cũng đã đề cập tới.

c) Kim Dung có suy nghĩ và cân nhắc rất nhiều khi viết về những cuộc đấu tranh giữa chính và tà, giữa hiệp nghĩa và xã hội đen, giũa danh môn chính phái và ma giáo. Tiểu thuyết võ hiệp truyền thống do xuất phát từ quan niệm chính thống cũ kĩ nên thường là đen trắng rõ ràng về vấn đề chính tà: đã chính thì cực chính, đã tà thì cực tà... Còn trong tiểu thuyết Kim Dung, cuộc đấu tranh giữa chính và tà vô cùng phức tạp; có lúc chính tà đối lập gay gắt, có lúc vì lợi ích riêng tư nào đó, chính ngả sang tà, hoặc chính là danh, tà là thực; chính và tà không những là cuộc đấu tranh giữa môn phái khác nhau, con người khác nhau mà còn có thể diễn ra ở một con người. Tiêu chuẩn đánh giá chính tà của Kim Dung dựa trên lợi ích của số đông và ông đã để cho nhân vật nói hộ mình quan điểm này: "Xưa nay anh hùng được người đời khâm phục, người đời sau hâm mộ ắt phải là người yêu dân, mang lại hạnh phúc cho dân; giết hại nhiều người mà nên danh chưa chắc đã gọi được là anh hùng" (Lời Quách Tỉnh trong Anh Hùng Xạ Điêu).

d) Tiểu thuyết võ hiệp truyền thống thường rập khuôn theo mô thức: hành hiệp - báo đền ơn nước - phong ấm phong hầu, giàu sang. Lý tưởng nhân sinh cũng gồm trong mấy chữ "hiển vinh, con cái, tác oai tác phúc". Tới tiểu thuyết võ hiệp đời Thanh, nhân vật chính đều là quan lại hào hiệp trung nghĩa mà thực chất là phục vụ cho cung đình triều Thanh, không có nhân cách độc lập. Còn tiểu thuyết Kim Dung tuy cũng viết về đời xưa, song khuynh hướng tư tưởng khác xa, chẳng những đã chia tay với quan niệm giá trị mang tính phong kiến chồng sang vợ quý trên đây mà còn toát lên tinh thần giải phóng cá tính và độc lập về nhân cách. Trong tiểu thuyết Kim Dung có rất nhiều nhân vật chí tình, hành hiệp trượng nghĩa theo bản tính của mình, tính mạng có thể hy sinh song quyết không làm tôi tớ khuyển ưng cho quan phủ.

e) Tình yêu nam nữ dưới bút Kim Dung cũng là tình yêu lý tưởng với tình cảm thuần nhất, không vương mùi tục, không có nhân tố lợi, hại về mặt kinh tế xã hội. Ông cũng cho nhân vật Hồ Nhất Đao nói lên quan niệm chọn bạn đời như thế: "Cái quý giá nhất là tình yêu chân thành giữa hai trái tim mến mộ nhau chứ quyết không phải là kho báu có trị hàng mấy tòa thành" (Nghiêm Gia Viêm: Bàn về tinh thần hiện đại trong tiểu thuyết Kim Dung, tạp chí Nghiên cứu lý luận văn nghệ, số 4 năm 1996).

Bên cạnh những ý kiến đánh giá khách quan tiểu thuyết Kim Dung như trên, còn có những ý kiến cực đoan từ phía này hoặc phía kia.

Về phía khẳng định, có ý kiến cho tiểu thuyết Kim Dung là phương hướng phát triển của văn học đương đại Trung Quốc. Ý kiến này không thỏa đáng ở chỗ tiểu thuyết võ hiệp chỉ là một loại hình của tiểu thuyết nói chung, có bối cảnh là lịch sử đời trước. Văn học đương đại Trung Quốc không thể hoàn toàn theo hướng này kể cả theo hướng người nhã kẻ tục đều thưởng thức. Văn học đương đại phải có những tác phẩm lớn tiêu biểu cho thời đại. Những ý kiến khác cho tác phẩm Kim Dung "lẳng lặng làm một cuộc cách mạng văn học" hoặc "Kim Dung là người đầu tiên nối bước Hồng lâu mộng", hoặc "tiểu thuyết Kim Dung là tác phẩm văn học không tiền khoáng hậu" v.v... đều có những khía cạnh thái quá, thiếu chừng mực và thỏa đáng.

Về phía phê bình, có ý kiến "sổ toẹt" Kim Dung như ý kiến của Ô Liệt Sơn đăng trên báo "Nam Phương cuối tuần" ra ngày 2.12.1964. Ông cho rằng: "Từ góc độ nhận thức lịch sử mà xét, nhân vật võ hiệp chẳng có gì đáng kể đối với sự phát triển xã hội của Trung Quốc; từ góc độ phương hướng giá trị mà xét, cho dù có miêu tả đạo đức con nhà võ khi hành hiệp siêu phàm đến đâu thì cũng không làm thay đổi được bản chất phản xã hội vì phạm pháp luật khi dụng võ...; về góc độ giải trí văn hóa mà nói, tiểu thuyết võ hiệp cũng là thứ văn hóa tiêu khiển, so với tiểu thuyết trinh thám như Sherlock Holmes phá án thì còn thua" (Xem bài Cự tuyệt Kim Dung).

Một số trí thức Đài Loan cũng chê tác phẩm Kim Dung - mà đúng hơn là chê thể loại tiểu thuyết võ hiệp, cho rằng "không khoa học, không hợp lý". Nhà nghiên cứu Đài Loan Đổng Thiên Lý đã bác bỏ ý kiến này bởi không thể lấy tiêu chuẩn khoa học và hợp lý để đánh giá tiểu thuyết (Xem Đổng Thiên Lý: Bình phẩm tiểu thuyết Kim Dung, trong Tùng thư nghiên cứu Kim Dung, Công ty sự nghiệp xuất bản Viễn cảnh xuất bản, Đài Loan, 1997). Những điều "phi lý, không khoa học" đó lại được nữ văn sĩ đại lục Trần Tổ Phần cho là đã góp phần tạo nên "đồng thoại cho người lớn" trong thời đại trí tưởng tượng ít dần như ngày nay (Xem "Quang minh nhật báo", ngày 10.12.1994).

Nhìn chung, tác phẩm Kim Dung có được khen và cũng bị chê, song người khen chiếm số đông áp đảo. Hiện tượng này chẳng khác gì cảnh "hâm rượu nhắm với mơ xanh bàn luận về anh hùng" giữa Tào Tháo và Lưu Bị trong Tam quốc diễn nghĩa xưa kia.

Còn bản thân Kim Dung, ông tự đánh giá rất khiêm tốn về tác phẩm của mình: "Bản thân tiểu thuyết võ hiệp là có tính tiêu khiển, nhưng tôi mong chúng ít nhiều cũng phải có tính triết lý nhân sinh và tư tưởng để tác giả có thể thông qua truyện mà biểu hiện một số nhìn nhận của mình về xã hội" (Dẫn theo Nghiêm Gia Viêm). Nắm vững hạn chế của thể loại, ông nói thêm: "Cốt truyện trong tiểu thuyết võ hiệp không tránh khỏi có quá nhiều ngẫu nghiên và ly kỳ, song tôi luôn cố gắng tạo được một điều là võ công có thể không tồn tại trong cuộc sống thực nhưng tính cách con người thì có thể có và bao giờ cũng vậy" (Lời tựa cho cuốn Thần điêu hiệp lữ). Trên giảng đường trường Đại học Bắc Kinh, trả lời câu hỏi: "Tiểu thuyết võ hiệp có ảnh hưởng xấu không?" của sinh viên nêu ra, Kim Dung đáp: "Nếu đọc tiểu thuyết võ hiệp mà không biết tiết chế, không có điều độ, làm trở ngại đến thi cử học hành thì đó là ảnh hưởng xấu, hơn nữa còn có thể ảnh hưởng về mặt phát sinh bạo lực. Đương nhiên đó là đối với số thanh niên lêu lổng trên đường, còn đối với sinh viên thì không" (Dẫn theo Tống Điệp: Suy nghĩ về chữ "nghĩa" trong tiểu thuyết võ hiệp, tạp chí Lý luận và phê bình văn nghệ, số 5 năm 1995).

Trên đây là ý kiến chung của giới phê bình, còn ý kiến của bạn đọc trẻ tuổi, chúng tôi thấy không gì bằng dịch nguyên văn bài tản văn Còn mãi Kim Dung của chị Phương Hồng Diễm (Trung Quốc) :

Khoảng mười năm trước, khi Kim Dung một thân một kiếm đi khắp Thần Châu, tôi mới mười tám tuổi, đang còn đi học.

Các bạn học sinh nam chuyền tay nhau đọc như điên, thành hẳn một phe đối lập với Quỳnh Dao của phe nữ. Chỉ trong một lúc mà thế giới chia hẳn thành hai cực nam bắc, một bên bóng đao ánh kiếm, một bên người đẹp như tranh.

Mười năm trước đây, hầu hết học sinh đều rất nghèo, nhưng đám Kim Dung lại dương dương đắc ý, chỗ nào ống tay áo phất tới là kết giao bạn bè. Do túi rỗng không xu, các bạn trai bèn phân công nhau mua, hẹn ngày chuyền tay nhau đọc. Cứ đến cuối tuần thì trong lớp học ngay trên bãi cỏ thế nào cũng có các hiệp sĩ võ lâm họp mặt nhau lại để ấn chứng võ nghệ, vui quên cả mệt mà rèn công lực nội thân. Có điều họ giao lưu võ công không dùng đến tay chân mà chỉ dùng mồm: nào Đông Tà Tây Độc, nào Nam Đế Bắc Cái, nào Tuyết Sơn Phi Hồ, nào Thần Điêu Hiệp Lữ.. Mười tám ban võ nghệ đều khảng khái từ miệng phát ra, thỉnh thoảng lại thêm một số ca, từ, thơ, phú điểm xuyết giữa chừng để tăng thêm ý vị bi tráng sâu xa. Tất nhiên cũng có khi động thủ, ấy là bất chợt đôi bên đấu khẩu, đấu đến mức lục tung cả Kim Dung lên tới cùng cực mà vẫn không phân biệt được thắng thua; cũng là đến lúc cưỡi hổ khó xuống, chỉ còn có cách dùng chưởng, đúng như Kim Dung nói là đã đến lúc tỉ thí nội lực rồi. Nếu đúng lúc này mà không may lại có mấy nàng Quỳnh Dao đứng cạnh, đưa mắt xinh như mộng thẫn thờ xem trận đấu thì sự việc lớn bậc nhất đồn ầm lên. Trong làng võ lâm ngày hôm sau ắt có tin "một chết một bị thương" giữa hai cao thủ nội lực ngày hôm trước.

Bây giờ nghĩ lại tình hình lúc ấy, bất giác không tránh khỏi mỉm cười nhưng câu chuyện hồi ấy, nơi ấy quả khiến ai nấy đều cảm động. Các bạn nam trong lúc văn tài rờ rỡ, để hết tâm trí vào một kiếm cho xong ân oán, quyết chí giang hồ và những ánh mắt si ngây đưa theo quả thực ai cũng phải thổn thức trong tim.

Trong một buổi hoàng hôn se lạnh, lá vàng rơi lác đác trước gió thu, tôi gặp một bạn nam để mượn Kim Dung; tôi nhớ lúc ấy dường như trên sân bóng, khá lạnh. Trong lúc vui mừng tột độ, bạn nam xúc động đến mức hai mắt sáng lên. Ánh mắt ấy xuyên qua cặp kính dày cộm phản chiếu lại ráng chiều tĩnh mịch, thật là cảnh sảng khoái lâm ly chẳng khác gì giữa chốn giang hồ hiểm ác, cuối cùng được gặp tri âm, nhất là lúc tri âm ấy lại là hồng nhan.

Anh bạn trước hết khen Thiên Long Bát Bộ với tôi, đồng thời say sưa đọc thuộc lòng những tiêu đề trong mỗi hồi sách. Giới thiệu nhiệt tình đến thế, tất nhiên tôi không thể không có gì đáp lại; thế là nhận lấy sách xong, tôi mỉm nụ cười rồi mới quay gót bước đi. Anh chàng kinh ngạc lần nữa rồi tiếng thở dài xa xa vọng tới tai tôi : "Má lúm cười xinh sao, mắt long lanh đẹp sao".

Đọc rồi mới thấm thía với cảm giác "túy lúy biết rượu ngon", thì ra Kim Dung uyên bác tinh thâm nhường ấy. Đọc vào tình tiết thì không còn làm chủ mình được nữa. Anh hùng mỹ nữ, chí cương chí nhu, bàn về kiếm ở Hoa Sơn, máu chảy tràn trên sa mạc, dưới bút bậc đại sư, giang hồ tuy gian hiểm ác độc song lại cũng vô hạn phong quang. Đọc đến chương Hứa hẹn suông chăn bò dê nơi biên tái, trong đêm mưa gió não nề, trên lầu nơi cầu nhỏ, Kiều Phong vung một chưởng ra, A Châu hồn lìa theo gió. Chưởng đó chẳng những làm vỡ vụn tuyết bay nơi biên ải, làm lỡ lời thề cùng nhau chăn bò dê mà còn khiến rằng đó chính là tình yêu vĩ đại bậc nhất. Nếu đem so sánh, Quỳnh Dao nào có đáng kể gì? Gượng chuốc sầu làm bài thơ mới, không bệnh mà rên, có vậy mà thôi, từ đấy bèn giã biệt Quỳnh Dao.

Đọc hết bộ truyện xong tỉnh giấc, thấy thế giới vẫn y nguyên, cái gì đẹp vẫn đẹp, cái gì xấu vẫn xấu, tự mình không thể trừ lũ bạo ngược, cũng chẳng thể yên dân lương thiện. Đêm dài dằng dặc, nào đâu cao thủ thiếu niên tự trời rơi xuống bảo vệ quanh mình. Tuyết bay tơi tả, nào đâu hiệp sĩ áo trắng bầu bạn cùng ta góc biển chân mây ? Thôi cho rồi, không xem cũng vậy.

Nhưng không bao lâu sau, chẳng cưỡng nổi sức lôi cuốn của rất nhiều chàng kính cận lêu đêu như sào trong giới võ lâm; cuối cùng một lần nữa tôi lại tìm đến người bạn trai hồi nào.

Với thần sắc đúng như dự liệu, chàng thở dài một hơi bảo tôi:

- Người chốn giang hồ, thân không làm chủ mà ! Bộ Tiếu ngạo giang hồ này tôi vừa mới mua xong, bạn xem trước vậy !

Vẻ mặt anh chàng cương quyết như cứu người khỏi nước sôi lửa bỏng, tôi nhìn thấy mà thương!

Bây giờ tốt nghiệp trường đã mười năm, tôi không còn đọc tiểu thuyết võ hiệp nữa. Chỉ nghe loáng thoáng trong giới võ lâm đã có thêm Cổ Long, Ôn Thụy An cùng nhiều danh gia khác; song tôi đã là vợ, là mẹ, dù chỗ sâu kín nhất trong lòng vẫn thủy chung dành một phần hướng về cảnh tượng giang hồ vô cùng đẹp thú thì theo tầm vóc con trai ngày một cao, phần hứng thú đó ngày một giảm tới con số không.

Cuộc sống cứ thế trôi qua từng ngày, tẻ nhạt và mệt mỏi, cảnh tượng xiêu lòng xa trông giang hồ giữa lúc chiều tà nhuộm máu, trăng sáng gió thu, đăm đăm nhìn thế giới này mà lại muốn nhảy ra thử sức, không hề biết sợ là gì. Mặc dù cháu còn quá nhỏ, nhưng đôi mắt trong xanh của cháu ít nhiều cũng khiến tôi nhớ lại khoảng trời sáng sủa, thuần nhất, chân chất ngày nào.

Trong những đêm ẩm ướt và quạnh quẽ, tôi cũng có đọc báo. Nào Dương xuân bạch tuyết, nào Hạ lý ba nhâm, xong thực lòng mà nói, đọc thì có đọc đấy mà không sao cảm động nổi. Sách vừa rời tay, ngày hôm sau đã không còn mảy may vương lại.

Một hôm tôi về nhà mẹ, ngẫu nhiên bắt gặp hai tập Ỷ Thiên Đồ Long Ký dày cộm trên đầu giường em trai, hai chữ Kim Dung đập ngay vào mắt. Sau một thoáng ngẩn người, tôi đưa tay cầm lên. Cái đưa tay này thật đáng giá, giở sách ra xem, hơi văn quen thuộc của đại sư phả vào mặt mũi khiến người đọc cảm động mãi không thôi. Cầm lòng không đậu, khoé mắt tôi dường như hơi ươn ướt.

Mười năm nay, chưa từng có cuốn tiểu thuyết nào khiến lòng tôi thổn thức nhường ấy. Nào biết đó là nỗi bi ai cho tôi hay nỗi bi ai của cuộc sống đây ?

Trích Tân Hoa Văn, số 7 năm 1995.


Trang Nhà